Thông báo

Sụp đổ
Không có thông báo nào được nêu ra.

Khám phá “bảo kiếm” của các huyền thoại quần vợt

Sụp đổ
X
  • Bộ lọc
  • Thời gian
  • Hiển thị
Xóa tất cả
Bài viết mới

  • Khám phá “bảo kiếm” của các huyền thoại quần vợt

    Wimbledon lần thứ 125 đã khai cuộc với phán đoán ngôi vô địch đơn nam sẽ khó có thể thoát khỏi tay bộ 3 Rafael Nadal, Roger Federer và Novak Djokovic. Nhân dịp này, tờ New York Times đã cử phóng viên tới London với nhiệm vụ: Giải mã những cây vợt của bộ 3 huyền thoại đương đại này.

    Đoản kiếm, trường kiếm
    Roman Prokes, chuyên gia thiết kế vợt hiện đang làm việc cho nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới, nhận định: “Giả sử Federer phải thi đấu bằng cây vợt mà Nadal sử dụng, anh sẽ gặp phải không ít khó khăn để tìm được cảm giác bóng. Nhưng tôi nghĩ lối chơi của Federer dễ thích ứng hơn với các loại vợt khác nhau. Còn Nadal, nếu anh phải thi đấu với cây vợt của Federer, anh sẽ không còn là chính mình”.

    Roger Federer sử dụng cây vợt 6.1 Tour BLX của hãng Wilson
    Những con số thống kê cho thấy, trong ba tay vợt nói trên, “dụng cụ hành nghề” của Federer nặng nhất (345gr) nhưng với thành vợt mỏng nhất và mặt vợt nhỏ nhất (90cm2). Vợt của Nadal nhẹ nhất và mặt vợt được thiết kế tăng độ xoáy nhằm hỗ trợ cho cú thuận tay sở trường của anh. Vợt của Djokovic thì có độ căng dây cao nhất.

    Giám đốc kinh doanh của hãng sản xuất dụng cụ quần vợt Wilson, Cory Springer, nhận xét: “Sự khác biệt về cách thiết kế vợt của Nadal và Federer thể hiện sự đối lập hoàn toàn trong cách chơi của hai tay vợt, một nặng về phòng thủ, một thiên về tấn công. Trong khi đó các thông số kỹ thuật liên quan đến vợt của Djokovic đều ở mức vừa phải. Các tay vợt chuyên nghiệp đều muốn cây vợt họ sử dụng được thiết kế phù hợp cho lối chơi của riêng mình”

    Vợt của Nadal, Djokovic và Federer được thiết kế bởi các hãng sản xuất khác nhau. Cây vợt 6.1 Tour BLX của Federer là kỳ công của Wilson, nhà tài trợ dụng cụ thi đấu của Federer từ khi anh mới bắt đầu sự nghiệp. Hãng Babolat của Pháp là tác giả của cây vợt AeroPro Drive GT mà chúng ta vẫn thấy trên tay Nadal. Hãng Head, sau khi lôi kéo được Djokovic từ tay Wilson với một bản hợp đồng quảng cáo kỷ lục vào năm 2009, đã cho ra lò cây vợt YouTek Speed MP. Tay vợt người Serbia sau thời gian đầu gặp khó khăn trong việc làm quen với cây vợt mới đến nay đã gặt hái được nhiều thành công vang dội với ngôi vị số hai thế giới cùng thành tích thắng 41, thua 1 trận trong năm 2011.

    Kiếm thửa
    Cảm giác khi cầm một cây vợt Babolat, Wilson hay Head được bày bán ngoài cửa hàng sẽ khác hẳn với cảm giác khi cầm vợt của Nadal, Federer hay Djokovic dù chúng cùng một nhà sản xuất”. Đó là lời nhận xét của Brad Gilbert, người trước đây từng là huấn luyện viên của Andre Agassi và Andy Roddick. Ông nói thêm: “Vợt của các tay vợt chuyên nghiệp được thiết kế một cách công phu với những chỉnh sửa về mọi mặt giúp họ có được cảm giác thoải mái nhất trong thi đấu.”

    Mới đây, một nhóm chuyên gia đã thực hiện một thí nghiệm khá thú vị. Họ mua lại các cây vợt nguyên bản của ba hãng Babolat, Head và Wilson rồi tiến hành chỉnh sửa lại các cây vợt đó theo các thông số kỹ thuật tương tự vợt của Nadal, Djokovic và Federer. Các tay vợt nghiệp dư với trình độ khá đã lần lượt sử dụng những cây vợt được “tân trang” nói trên và thi đấu với nhau. Một vài nhận xét đã được rút ra từ cảm nhận của các tay vợt nghiệp dư cùng sự quan sát của các chuyên gia:

    - Vợt của Nadal nhìn chung dễ sử dụng nhất. Với mặt vợt được thiết kế hỗ trợ tăng thêm topspin, những cú đánh từ phía cuối sân trở thành một thứ vũ khí lợi hại. Tuy nhiên, thiết kế này cũng khiến các tay vợt gặp khó khăn trong những cú bỏ nhỏ khi lên lưới.

    - Vợt của Djokovic cho người dùng cảm giác thoải mái nhất khi vung vợt. Tốc độ vung vợt nhanh giúp những cú đánh tăng nhiều uy lực, đặc biệt là cú giao bóng.

    - Vợt của Federer bị các tay vợt thử nghiệm cho là khó sử dụng nhất. Họ than phiền rằng mặt vợt nhỏ khiến họ gặp nhiều khó khăn để căn cho bóng chạm được vào điểm êm (sweet point) trong mỗi cú đánh và mắc rất nhiều lỗi đánh bóng hỏng. Bù lại, họ đều cho rằng nếu như “thuần phục” được cây vợt này, nó sẽ trở thành một thứ vũ khí lợi hại vì độ hiểm của những cú đánh là rất cao.

    Cây vợt 6.1 Tour BLX của Federer là thành tựu mới nhất của công nghệ làm khung vợt từ than chì và sợi Kevlar mà hãng Wilson cho ra mắt vào những năm 1980. Cây vợt mà huyền thoại Pete Sampras từng sử dụng khi còn thi đấu cũng là sản phẩm của công nghệ này, vốn đã tồn tại 3 thập kỷ nhưng hiện vẫn được sử dụng rộng rãi. Đầu năm nay, hãng Head đã trang bị cho cây vợt YouTek Speed MP của Djokovic một bộ khung vợt cải tiến, với sự xuất hiện của sợi Innegra thay cho sợi Kevlar. Sợi Innegra còn mới trong ngành chế tạo vợt tennis nhưng được sử dụng rộng rãi trong ván lướt sóng. Các chuyên viên kỹ thuật của Head cho rằng sợi Innegra này giúp tăng thêm độ bền cho khung vợt cũng như làm giảm đáng kể độ rung.

    Bí ẩn của những sợi dây
    Nếu như công nghệ chế tạo khung vợt chưa có nhiều sự thay đổi đáng kể thì công nghệ làm dây đã có những bước đột phá trong vài năm trở lại đây. Sự phát triển của dây làm từ sợi polyeste bền đã giúp các tay vợt giảm bớt nỗi lo đứt dây vợt khi thi đấu. Nadal, sau khi chuyển sang dùng dây vợt hiệu RPM Blast của Babolat từ tháng một năm ngoái, chỉ sử dụng dây polyeste cho vợt của mình.

    Jean-Christophe Verborg, Giám đốc điều hành quốc tế của Babolat, nhận xét: “Dây RPM Blast với những đường viền tám cạnh đã tạo ra sự khác biệt lớn. Ngoài độ bền mà nó mang lại, dây RPM Blast còn giúp gia tăng độ đàn hồi của vợt”.

    Federer sử dụng dây vợt được chế tạo kết hợp từ sợi polyeste và ruột động vật, trong đó sợi polyeste dùng cho dây ngang còn ruột động vật là nguyên liệu cho dây dọc, ngược lại hoàn toàn so với cách căng dây của các tay vợt chuyên nghiệp khác. Ron Rocchi, kĩ thuật viên của Wilson, giải thích: “Về mặt lý thuyết, dây dọc với polyeste sẽ tăng độ bền còn dây ngang với ruột động vật sẽ hỗ trợ cảm giác bóng. Nhưng Federer lại làm ngược lại vì anh không mấy quan tâm đến độ bền của vợt mà chỉ muốn có một cấu trúc dây giúp anh có được cảm giác bóng tốt nhất.”

    Khác với Nadal, Federer thường xuyên thay đổi độ căng dây tùy theo điều kiện thi đấu. Nhưng theo Rocchi, tay vợt người Thụy Sĩ thường sử dụng dây vợt với độ căng 47,5 pound cho dây dọc và 49,5 pound cho dây ngang (tức là khoảng 21-22,5 kg). Nadal sử dụng dây vợt với độ căng ổn định ở mức 55 pound (khoảng 25 kg) cho cả hai dây. Vợt của Djokovic có độ căng lớn nhất, ở mức 61 pound (khoảng 28 kg) cho cả hai dây. Anh cũng là người duy nhất trong ba tay vợt sử dụng mật độ dây 18-20 (18 dây dọc, 20 dây ngang). Trong khi đó Nadal và Federer đều dùng mật độ dây 16-19.

    Chuyên gia thiết kế vợt Prokes nhận định: “Với mật độ dây 18-20, những cú đánh của Djokovic sẽ đi thẳng và không có nhiều topspin. Nhưng bù lại nó giúp cho anh có thể điều bóng dễ dàng hơn cũng như tăng thêm uy lực cho những cú đánh. Với lối đánh tấn công ở cuối sân của Djokovic, tôi cho rằng mật độ dây này là rất hợp lý. Mặt khác, Nadal cần nhiều topspin để phục vụ cho lối đánh phòng thủ cuối sân của anh. Vì vậy mật độ dây 16-19 là phù hợp.”

    Nếu như trước đây khi các tay vợt chuyên nghiệp đều sử dụng những cây vợt được chế tạo theo khuôn mẫu thì lối chơi của họ cũng không thể có những sự khác biệt mang tính đột phá. Ngày nay, với công nghệ thiết kế vợt ngày càng tiên tiến, người hâm mộ ngày càng được chứng kiến nhiều trận thư hùng với trình độ kĩ thuật cao và thêm vào đó là sự đa dạng hơn hẳn về mặt lối chơi.

    Wimbledon, giải tennis danh giá nhất hành tinh đang diễn ra. Nếu một trong số Nadal, Djokovic hay thậm chí là một người nào khác, chiến thắng, thì đó còn là sự vinh danh của cả một tập thể và những bước tiến công nghệ bí ẩn mà chúng ta vừa được biết.

    Đ.H
Đang tải...
X